Cột mốc A Pa Chải – Khám phá cực Tây thiêng liêng của Tổ quốc

Việt Nam là quốc gia 4 cực, trong đó có cột mốc A Pa Chải tại cực Tây thiêng liêng của Tổ quốc. Chinh phục A Pa Chải chính là ước mơ của rất nhiều phượt thủ và các bạn trẻ đam mê xê dịch. Cung đường đến với A Pa Chải có khó không? Đến A Pa Chải mùa nào đẹp nhất? Hãy cùng chúng mình khám phá trong bài viết dưới đây.

Đôi nét về cột mốc A Pa Chải

Cột mốc A Pa Chải nằm tại địa phận A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nơi đây được ví là nơi “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe” khi nằm tại ngã 3 biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc. Đồng thời, cột mốc A Pa Chải cũng đánh dấu cực Tây của lãnh thổ Việt Nam. Nơi đây được đặt là cột mốc số 0 mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng.

Ngày 27/6/2005, 3 quốc gia Việt Nam – Lào – Trung Quốc đã thống nhất đặt cột mốc A Pa Chải trên vị trí hiện tại. Cột được thiết kế hình lục giác, làm bằng đá granite chắc chắn. 3 mặt chính của cột mốc A Pa Chải hướng về 3 phía, mỗi mặt có khắc tên và quốc huy riêng của mỗi quốc gia.

A Pa Chải là một xã biên giới thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên
A Pa Chải là một xã biên giới thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên

Về vị trí địa lý, cột mốc A Pa Chải nằm ở độ cao 1864m so với mực nước biển, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 250km và cách trung tâm huyện Mường Nhé khoảng 43km. Khu vực xung quanh là địa bàn sinh sống của 7 dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là người Hà Nhi. Đường lên A Pa Chải tuy đã thuận lợi hơn nhiều so với thời gian trước, nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với vị trí địa lý đặc biệt, khung cảnh thiên nhiên xung quanh hùng vĩ, cột mốc A Pa Chải chính là điểm đến hấp dẫn với các phượt thủ và tín đồ xê dịch từ khắp mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt là khi đường lên A Pa Chải đã được đầu tư nâng cấp khá nhiều.

Nên đến A Pa Chải mùa nào?

Lưu ý đầu tiên dành cho du khách đó là không nên đi A Pa Chải vào mùa mưa. Địa hình A Pa Chải là đồi núi cao, đường lên cột mốc A Pa Chải có những đoạn rất khó đi nên những ngày mưa sẽ rất trơn và bẩn. Ngoài ra, những dịp Lễ Tết cũng không phải thời gian lý tưởng để khám phá A Pa Chải. Trong thời gian này du khách đổ về đây khá đông và trải nghiệm vui chơi, ăn uống của bạn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

A Pa Chải mang  vẻ đẹp nguyên sơ, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng
A Pa Chải mang vẻ đẹp nguyên sơ, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng

Ngược lại, du khách thường lựa chọn đến A Pa Chải vào theo những mùa hoa. Dưới đây là 3 thời điểm lý tưởng để đi du lịch tại đây:

  • Tháng 3: Thời điểm này thời tiết A Pa Chải ấm áp, ít mưa. Đặc biệt, đây là mùa hoa ban bung nở khắp các dãy núi Tây Bắc, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên vô cùng nên thơ, ấn tượng. Trong tiết trời xuân, A Pa Chải khoác lên mình hình hài của một nàng thơ nhẹ nhàng, duyên dáng.
  • Tháng 9: Mùa lúa chín về trên những cánh đồng bậc thang tại A Pa Chải. Ngoài ra, đây là khoảng thời gian A Pa Chải là mùa thu nên thời tiết mát mẻ, không mưa, rất phù hợp cho các hoạt động du lịch khám phá.
  • Tháng 11-12: Mùa hoa dã quỳ, thời tiết mùa đông lạnh đem đến cho du khách những trải nghiệm vô cùng mới mẻ.

Hướng dẫn di chuyển đến cột mốc A Pa Chải

Hành trình chinh phục cột mốc A Pa Chải sẽ vô cùng gian nan với quãng đường dài và khó di chuyển. Dưới đây là hướng dẫn cho du khách chưa có kinh nghiệm khám phá A Pa Chải.

Di chuyển đến Điện Biên Phủ

Trước khi đến A Pa Chải thì đa số du khách sẽ qua thành phố Điện Biên Phủ. Thành phố Điện Biên Phủ cách Hà Nội 500km. Đây là quãng đường khá xa và tốn nhiều thời gian di chuyển. Ba phương tiện bạn có thể lựa chọn để đến Điện Biên Phủ là máy bay, xe khách và xe máy.

  • Di chuyển bằng máy bay: Máy bay là phương tiện di chuyển nhanh nhất từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ. Chỉ mất khoảng 1 tiếng từ sân bay Nội Bài, bạn đã đặt chân tới Điện Biên Phủ. Hiện nay, chặng bay Hà Nội – Điện Biên Phủ được khai thác với tần suất 2 chuyến/ ngày bởi Vietnam Airlines.
  • Di chuyển bằng xe khách: Du khách có thể bắt xe khách giường nằm từ bến xe Mỹ Đình để đến Điện Biên Phủ. Với quãng đường 500km thì bạn sẽ mất khoảng 12 tiếng trên xe để đến Điện Biên Phủ. Đây là phương thức di chuyển được nhiều người lựa chọn nhất.
  • Di chuyển bằng xe máy: Di chuyển bằng xe máy là lựa chọn của các phượt thủ khi chinh phục A Pa Chải. Tuy nhiên, quãng đường di chuyển dài sẽ mất khoảng 1 ngày đi xe máy. Nếu bạn có đủ sức khỏe và tay lái cứng thì mới nên di chuyển bằng xe máy.

Di chuyển đến Sín Thầu, Mường Nhé

Từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, du khách di chuyển theo quốc lộ 12 qua Mường Chà, Si Sa Phìn, Chà Cang, Mường Nhé khoảng 280km sẽ đến xã Sín Thầu. Quãng đường từ Điện Biên Phủ đến Sín Thầu khá dễ đi.

Sau khi tới đây, du khách sẽ di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ đến chân núi Khoang La San và cột mốc A Pa Chải đang đến rất gần trong hành trình chinh phục của bạn.

Check-in ở đâu khi đi phượt A Pa Chải?

Trên hành trình chinh phục cột mốc A Pa Chải, du khách không nên bỏ qua những địa điểm check-in hấp dẫn dưới đây.

Cầu Hang Tôm

Cầu Hang Tôm nằm trên tuyến quốc lộ 12, được mệnh danh là “Đông Dương đệ nhất cầu” nằm vắt qua con sông Đà huyền thoại. Cây cầu được thiết kế và xây dựng từ năm 1960 với kiến trúc độc đáo. Vẻ đẹp này lại càng nổi bật khi hòa cùng thiên nhiên và núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng.

Cầu Hang Tôm - một tuyệt tác của núi rừng Tây Bắc
Cầu Hang Tôm – một tuyệt tác của núi rừng Tây Bắc

Cột mốc 17-18

Cột mốc 17-18 là điểm check-in được nhiều bạn trẻ yêu thích khi đến với A Pa Chải. Nằm cách đồn biên phòng 317 chỉ khoảng 6,5km, đây cũng là nơi giao nhau giữa suối Nậm Náp và sông Đà, là điểm ngắm tuyệt đẹp tại A Pa Chải.

Cột mốc số 18 bên bờ sông Đà
Cột mốc số 18 bên bờ sông Đà

Cột mốc số 0 A Pa Chải

Và cuối cùng nhưng không thể thiếu chính là cột mốc số 0 – cột mốc A Pa Chải mà bất cứ ai đến đây cũng muốn chinh phục. Để chinh phục cột mốc số 0, du khách sẽ phải leo bộ khoảng 7 tiếng đồng hồ. Nếu bạn di chuyển bằng ô tô thì sẽ mất thêm một khoảng thời gian đi bộ.

Check-in tại cột mốc số 0 - Niềm tự hào của người Việt
Check-in tại cột mốc số 0 – Niềm tự hào của người Việt

Từ cột mốc số 0 nhìn xuống, ban sẽ thu vào tầm mắt khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc. Đặc biệt, check-in tại cột mốc số 0 mang lại cho chúng ta niềm tự hào về mảnh đất tươi đẹp của Tổ quốc.

>> Xem thêm:

Những điều cần lưu ý khi chinh phục cột mốc A Pa Chải

Không giống các điểm du lịch thông thường, cột mốc A Pa Chải nằm ở ngã 3 biên giới của 3 quốc gia nên du khách cần lưu ý quy trình tham quan để tránh những rủi ro không đáng có.

Đơn vị cấp phép leo A Pa Chải

Cột mốc A Pa Chải thuộc sự quản lý của đồn biên phòng 317 – Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên. Để leo A Pa Chải, du khách phải xin cấp phép của đồn biên phòng 317. Quy trình xin cấp phép cũng rất đơn giản. Bạn chỉ cần tới đồn biên phòng, xuất trình CMND, CCCD để đăng ký. Sau đó, sẽ có chiến sĩ bộ đội biên phòng đưa bạn đi.

Theo quy định, A Pa Chải thuộc khu vực biên giới nên bất kỳ ai đến cũng phải xin phép đơn vị quản lý và đồn chỉ huy bộ đội biên phòng 317. Điều này nhằm tránh khỏi các rủi ro cho chính du khách bởi chỉ cần sai sót một chút là bạn rất dễ bị lạc đường. Đặc biệt, du khách có thể lạc sang phần lãnh thổ của nước bạn Lào hoặc Trung Quốc.

Du khách muốn leo A Pa Chải phải xin cấp phép tại đồn biên phòng 317
Du khách muốn leo A Pa Chải phải xin cấp phép tại đồn biên phòng 317

Lưu ý khi ở trong khu vực biên giới

Dưới đây là một số lưu ý dành cho du khách khi chinh phục cột mốc A Pa Chải. Bạn nhất định phải khi nhớ những điều này khi đến đây:

  • Khu vực biên giới được quy định là xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính bao gồm biên giới quốc gia trên đất liền.
  • Công dân Việt Nam khi vào khu vực biên giới bắt buộc phải mang theo giấy tờ tùy thân.
  • Người nước ngoài đang công tác tại các cơ quan Trung ương vào khu vực biên giới phải có giấy phép do Bộ Công an cấp. Nếu người nước ngoài đang tạm trú tại địa phương vào khu vực biên giới phải có giấy phép do công an cấp tỉnh nơi tạm trú cấp.
  • Người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài đủ điều kiện vào khu vực biên giới,vành đai biên giới nếu ở qua đêm phải đến cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn hoặc đồn công an sở tại đăng ký quản lý tạm trú theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ khẩu.
  • Trong thời gian ở khu vực biên giới mọi hoạt động của người, phương tiện phải chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương.

Cột mốc A Pa Chải là địa điểm thiêng liêng và là mục tiêu chinh phục của rất nhiều bạn trẻ. Hi vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích cho kế hoạch chinh phục A Pa Chải của mình. Đừng quên theo dõi chúng mình để cập nhật thật nhiều thông tin du lịch hấp dẫn và thú vị khác nhé.